Hy vọng vươn xa những dự án tạo ra giá trị cộng đồng
Bắt đầu từ sản phẩm của địa phương
“Nói là một dự án thì nó quá to tát so với cân nặng, chiều cao và sức lực của tôi” - chị Huỳnh Thanh Thảo - cô gái bị hội chứng xương thủy tinh (huyện Củ Chi) - giới thiệu về dự án “Kết nối, tạo việc làm cho người khuyết tật” (giải Ba cuộc thi “Xây dựng kế hoạch và giới thiệu ý tưởng kinh doanh năm 2023” do Hội LHPN TPHCM tổ chức) của mình.
Là một người khuyết tật, chị Thảo hiểu sâu sắc những khó khăn mà người khuyết tật (và cả người thân của họ) gặp phải. Từ sự thấu hiểu đó, chị ấp ủ dự án khởi nghiệp với hy vọng tạo ra cơ hội cho những người khuyết tật, để họ hiểu rằng, họ tàn nhưng không phế, khuyết tật chỉ là sự bất tiện chứ không phải là nỗi bất hạnh ghê gớm trong đời. Ý tưởng đó được chị ấp ủ từ 2013 thông qua mô hình “Cafe sách” ngay tại trung tâm thành phố. Để thực hiện, chị Thảo đã có 3 năm rưỡi lên Sài Gòn thuê trọ, sống một cuộc sống độc lập đầy khó khăn.
Cuối năm 2016, trước thời điểm dự định khai trương thì chị Thảo bị tai nạn giao thông, nên phải từ bỏ dự án. Tuy nhiên, trong gần 2 năm hồi phục sức khỏe, chị vẫn nung nấu việc kết nối, tạo việc làm cho người khuyết tật và hiện đã kết nối nhân lực để tạo sản phẩm bước đầu. Đó là các sản phẩm thủ công như rổ, thúng, lồng bàn, giỏ xách… bằng tre, trúc được làm ra từ đôi bàn tay của những người khuyết tật và người thân của họ.
Thảo cho biết, chị có ý tưởng đó khi nhìn thấy lợi thế cũng như đặc trưng của vùng đất Củ Chi - nơi có rất nhiều tre, trúc và những con người có nghề đan lát các sản phẩm từ tre. Với chị, đó không chỉ là những sản phẩm độc đáo, thân thiện môi trường, an toàn với người sử dụng, mà nguyên vật liệu cũng rất đặc trưng, đa dạng, dễ tìm, giá thành rẻ. Khâu đào tạo nghề cũng không quá khó khăn bởi nguồn nhân lực địa phương sẵn có. Bên cạnh những sản phẩm chủ lực từ tre, trúc, chị sẽ tăng cường kết nối, giới thiệu các sản phẩm khác của người khuyết tật như tranh giấy xoắn, các sản phẩm đan móc từ len… “Tôi muốn khách hàng nhìn vào sản phẩm của người khuyết tật không phải vì thương hại mà vì khả năng của họ. Họ có thể làm ra một sản phẩm với thời gian lâu hơn không có nghĩa là sơ sài mà nó phải thật chỉn chu. Muốn vậy, tôi phải chú trọng vào hệ thống quản lý chất lượng để đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải đạt chất lượng cao nhất” - chị Thảo chia sẻ.
Để sản phẩm đi xa, trên chiếc xe lăn, cô gái khuyết tật đã tìm đến các hội chợ thương mại và kết nối với những người khuyết tật ở khắp nơi để giới thiệu sản phẩm đến với nhiều người. Dựa vào kênh fanpage, thỉnh thoảng chị cũng tổ chức những “mini game” để quảng cáo miễn phí, giúp lan tỏa giá trị của dự án.
Đang đi đúng hướng
Cũng dựa trên lợi thế nguồn nguyên liệu giá rẻ, sẵn có tại địa phương như sợi chỉ dừa, dây chuối, buông, lục bình, mây tre, chị Liêu Thị Kim Phượng (TP Thủ Đức) đã lên ý tưởng chuyển kinh doanh hoa lan theo hướng phát triển sản phẩm “giỏ hoa quà tặng”, kết hợp hoa lan với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Cụ thể, vào năm 2019, tại Hợp tác xã Vườn lan Việt, chị Phượng bắt đầu nghiên cứu và đẩy mạnh việc lai tạo và sản xuất giống hoa lan với hơn 20 nhân viên cộng tác. Sau dịch COVID-19, hợp tác xã chỉ còn lại 3 nhân viên và rơi vào khó khăn. Để vượt qua khó khăn, chị Phượng bắt tay tạo ra những giống lan dendrobium mới kết hợp chuyển đổi kinh doanh hoa lan sang “giỏ hoa quà tặng” nhằm tạo việc làm cho người nông dân ở các vùng nông thôn. Mô hình được hiện thực hóa bằng cách nỗ lực liên kết các cơ sở sản xuất hoa lan và người nông dân để phân phối cây giống, mang về nguồn thu nhập ban đầu. Tiếp theo, chị thực hiện nâng cao giá trị cho cây hoa lan bằng việc biến nó thành một tác phẩm. Từ ý tưởng đó, sau khi khảo sát thị trường, chị quyết định làm giỏ hoa quà tặng từ hoa lan dendrobium. Với sản phẩm này, khách hàng có thể lưu giữ từ 1-2 tháng, sau đó có thể đem chăm sóc lại để tiếp tục ra hoa. Giỏ hoa khi ấy trở thành giá thể của cây hoa lan.
Trước tết Nguyên đán vừa qua, chị Phượng bắt đầu thử nghiệm cho ra mắt sản phẩm và đến 23 tháng Chạp thì phải ngưng nhận đơn hàng. Dự tính, với mô hình mới này, chị sẽ mở rộng quy mô vườn cây có hoa lên 1.000m2, tương ứng với năng suất 20.000 cây, chi phí đầu tư cơ sở vật chất ban đầu khoảng 800 triệu đồng, trung bình mỗi tháng lãi khoảng 64 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Chị Phượng nói về tác động xã hội của dự án của mình: “Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam chủ yếu là để xuất khẩu. Nhưng thời gian, do ảnh hưởng kinh tế thế giới, đơn hàng giảm, kéo theo thu nhập của người dân ở các làng nghề cũng giảm mạnh và có nguy cơ bỏ nghề. Nếu dự án phát triển sẽ đưa sản phẩm của các làng nghề đến với người Việt thông qua sản phẩm giỏ hoa lan quà tặng, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân các làng nghề và lao động lớn tuổi”.
Cho rằng đây là một dự án đi đúng hướng của thành phố, bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM - cho biết, hiện nay Nhà nước đang quan tâm đến việc lai tạo các giống cây trồng. Đặc biệt, chiến lược phát triển sở hữu trí tuệ của TPHCM là thúc đẩy việc tạo ra nhiều giống cây hơn nữa để nơi đây trở thành trung tâm cả nước về giống cây trồng. Việc khai thác hiệu quả các dịch vụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra các giống cây trồng mới. Hiện, các quận huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động tạo ra sản phẩm OCOP - sản phẩm mang đặc thù địa phương. Do đó, dự án của chị Phượng không chỉ tạo điểm nhấn về sản phẩm mà còn thu hút sự quan tâm của các chính sách. “Đối với những dự án khởi nghiệp như thế, TPHCM sẽ hỗ trợ vốn qua các vườn ươm, đồng thời hỗ trợ chuyên gia để tư vấn về đổi mới sáng tạo, về các phương án kinh doanh” - bà Ngọc Nhung nói.
Vì cộng đồng là yếu tố giúp các chị có thể đi xa
2 dự án nói trên là “bài kiểm tra” của học viên sau khi hoàn thành các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong phát triển kinh doanh do Hội LHPN TPHCM tổ chức. Vượt qua 80 dự án, 2 dự án trên cùng với 4 dự án khác đã được Hội LHPN TPHCM lựa chọn để giới thiệu tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức trong thời gian tới. Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, mục tiêu đặt ra cho các dự án năm nay là tập trung vào các sản phẩm đặc thù của địa phương và phải có những tác động xã hội tích cực. 6 dự án được lựa chọn đều ấp ủ giấc mơ nâng tầm đặc sản địa phương và hướng đến kết nối, hỗ trợ phụ nữ, cộng đồng phát triển kinh tế bằng hình thức nhượng quyền kinh doanh, hỗ trợ kinh nghiệm và nguồn vốn không lãi.
Bà Châu Hồng Anh - Giám đốc Công ty Tư vấn cải tiến LCC, người trực tiếp giảng dạy các lớp tập huấn - nhận định: mặc dù còn sơ khai và chưa hoàn thiện, nhưng tâm huyết của các chị em với các dự án thể hiện sự ham học hỏi và chịu thay đổi, muốn thử sức mình. “Tôi đánh giá cao tính xã hội, thị trường và khoa học trong các dự án khởi nghiệp. Các chị mới bắt đầu, chưa có khách hàng nên tính cạnh tranh là yếu tố khó khắc phục. Tuy nhiên, vì cộng đồng, hướng đến cộng đồng là yếu tố giúp các chị có thể đi xa hơn trong tương lai” - bà Hồng Anh nhắn nhủ.
Thông tin liên hệ
Văn phòng: Số 88 Đường 06, Phường Phước Bình, TP Thủ Đức, TP.HCM
Vườn cây: 75/7 Đường Gò Cát, Phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP.HCM
Vườn cây: Tổ 3, Ấp Bà Phái, Xã Long Nguyên, Huyện Bàu Bàng, Tỉnh Bình Dương
Xem thêm
Copyright © 2023 Vườn Lan Việt. All Rights Reserved. Built with Eraweb.